Việt – Campuchia

Đội tuyển Việt Nam - Nhật Bản: Chờ cơn địa chấn châu Á

Thứ Năm, 11/11/2021| 9:05

Nhìn về tương quan lực lượng giữa hai đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản, nếu đội bóng của HLV Park Hang Seo giành được điểm trước đội bóng giàu truyền thống nhất châu Á, đó sẽ là cơn đại địa chấn.

*Trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản sẽ diễn ra vào lúc 19h00 ngày 11/11 trên sân Mỹ Đình (Hà Nội).

Không chỉ là đội giàu truyền thống nhất châu Á (4 lần vô địch Asian Cup vào các năm 1992, 2000, 2004 và 2011), Nhật Bản còn rất giàu kinh nghiệm ở các kỳ vòng loại World Cup.

Đội bóng xứ sở mặt trời mọc có 6 lần liên tiếp lọt vào các VCK World Cup. Đồng thời, tính từ lần đầu tiên vào năm 1998 đến giờ, Nhật Bản chưa lần nào bị loại ở vòng loại World Cup (1998, 2002, 2006, 2010, 2014 và 2018).

Đội tuyển Việt Nam - Nhật Bản: Chờ cơn địa chấn châu ÁNhật Bản là đội giàu truyền thống nhất, sở hữu lực lượng tốt nhất châu Á

Truyền thống, kinh nghiệm và kể cả về lực lượng ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản đều dẫn đầu châu Á. Đội bóng của HLV Moriyasu sở hữu rất nhiều hảo thủ đang thi đấu tại châu Âu, kể cả các cầu thủ đang khoác áo các CLB hàng đầu của lục địa già, như tiền vệ Minamino (đang khoác áo CLB Liverpool) hay hậu vệ Tomiyasu (Arsenal).

Hai lần gặp nhau gần đây nhất giữa Nhật Bản và đội tuyển Việt Nam ở các kỳ giải chính thức, cụ thể là tại VCK Asian Cup đều cho chiến thắng nghiêng về Nhật Bản, đó là chiến thắng 4-1 ở vòng bảng Asian Cup 2007 và 1-0 ở tứ kết Asian Cup 2019.

Những chiến thắng tuy tỷ số cao thấp khác nhau, nhưng tựu chung một điểm là đội tuyển Việt Nam rất khó đá mỗi khi gặp Nhật Bản. 

Khác với các đội tuyển đến từ Tây Á vốn có tố chất tốt nhưng ý thức tổ chức kỷ luật không cao, khâu kỷ luật chiến thuật là điểm rất mạnh của người Nhật, nếu không muốn nói là họ trong top đầu thế giới về mặt này.

Đội tuyển Việt Nam - Nhật Bản: Chờ cơn địa chấn châu ÁNgười hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn chờ cơn địa chấn được tạo ra bởi đoàn quân của HLV Park Hang Seo 

Cầu thủ Nhật Bản dù đối diện với hoàn cảnh khó khăn và bất lợi cũng không rối. Lối chơi nhỏ, dựa vào dàn cầu thủ có kỹ thuật cao cũng khiến đội tuyển Việt Nam dễ bị bắt bài hơn khi thi đấu với Nhật Bản, so với khi đá với các đối thủ khác tại châu Á.

Nói như thế không phải là đội tuyển Việt Nam không có cơ hội. Cũng chẳng có đội bóng nào không có điểm yếu đến mức không thể bị thủng lưới.

Lợi thế đầu tiên của đội tuyển Việt Nam là được chơi trên sân nhà có khán giả, mà lần gần nhất Nhật Bản phải đá trước sức ép của khán giả đối phương tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, họ vừa thua Saudi Arabia hồi tháng 10 vừa qua. 

Lợi thế khác của đội tuyển Việt Nam là các cầu thủ Nhật Bản không ít thì nhiều sẽ mệt mỏi vì quãng đường di chuyển nhiều biến cố. Nhóm 11 cầu thủ Nhật đến Hà Nội từ châu Âu (đêm 9/11) chỉ có đúng một ngày 10/11 nghỉ ngơi và tập luyện, có thể gây ảnh hưởng đến thể lực của họ. 

HLV Phan Thanh Hùng bình luận về điều này: "Có thể cầu thủ Nhật Bản giàu kinh nghiệm và họ cũng quen với việc di chuyển nhiều, ráp đội hình ở đội tuyển quốc gia mà không cần quá nhiều thời gian. Nhưng không thể nói việc họ có mặt ở Hà Nội sát giờ bóng lăn không gây ảnh hưởng đến họ". 

"Cũng không lạc quan đến mức cho rằng đội tuyển Việt Nam có thể chơi sòng phẳng với Nhật Bản. Khả năng cao là chúng ta sẽ bị ép sân, nhưng hy vọng đội tuyển Việt Nam vẫn có cơ hội trong các pha phản đòn" - HLV Phan Thanh Hùng chia sẻ thêm.

Đội trưởng Nhật Bản: 'Không được để Việt Nam hưng phấn'

Trung vệ đội trưởng Maya Yoshida muốn cầu thủ Nhật Bản cảnh giác ngay khi nhập cuộc ở trận đấu Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022.

"Tôi không nghĩ Việt Nam là đội yếu", Yoshida nói với Nikkan Sports. "Họ có nhiều cầu thủ kỹ thuật và nhanh nhẹn. Nhiệm vụ đầu tiên là không được để Việt Nam hưng phấn vì lợi thế sân nhà. Chúng tôi phải cảnh giác khi vào trận. Cũng như các trận khác, quan trọng là không để thủng lưới trước. Dĩ nhiên khi khát điểm, chúng tôi cần hàng thủ dâng cao hơn. Nhưng tôi cũng muốn giảm thiểu rủi ro với hàng thủ. Vấn đề này khó nhất trong bóng đá".

Trung vệ đội trưởng Nhật Bản cũng muốn tận dụng thể hình vượt trội so với Việt Nam, trong các tình huống không chiến tấn công. "Từ vòng loại thứ hai World Cup 2022, chúng tôi đã ghi vài bàn nhờ tình huống cố định. CLB Sampdoria nơi tôi đang chơi, cũng có thể hình tốt, và tôi thường cảm thấy mình có thể ghi bàn được khi tham chiến. Không riêng tôi, nhiều cầu thủ Nhật Bản cũng cao hơn Việt Nam. Tôi không biết đây có phải điểm yếu của Việt Nam không".

Theo Transfermarkt, chiều cao trung bình của 28 cầu thủ Nhật Bản tập trung lần này là 1,79 m, hơn 4 cm so với thông số trung bình của Việt Nam. Trong bốn trận qua, trận nào Việt Nam cũng thủng lưới từ một pha bóng bổng rót vào cấm địa. Cựu HLV tuyển Việt Nam Toshiya Miura cũng chỉ ra rằng: "Thể hình vẫn là bất lợi của Việt Nam".

Yoshida và 10 cầu thủ khác của Nhật Bản đang chơi ở châu Âu bị trễ chuyến bay, nên chỉ đặt chân tới Việt Nam đêm 9/10. Vì thế họ chỉ có một buổi tập làm quen sân Mỹ Đình, trước khi xung trận. Về điều này, trung vệ 33 tuổi nhấn mạnh: "Chúng tôi chỉ được tập một buổi trước trận nên phải tập trung tối đa, không được xao nhãng vì những yếu tố ngoài. Chúng tôi vừa phải di chuyển tới 24 tiếng mới tới Việt Nam. Nếu thắng Việt Nam, đấy sẽ là một trải nghiệm tốt đẹp để chúng tôi ghi nhớ về sau".

Yoshida đạt đỉnh cao sự nghiệp khi khoác áo Southampton ở Ngoại hạng Anh giai đoạn 2012-2020, sau đó mới chuyển sang Sampdoria. Trung vệ cao 1,89m đã chơi 111 trận cho Nhật Bản, ghi 11 bàn.

Chuyên gia Phan Anh Tú: 'Việt Nam cần tránh mắc bẫy Nhật Bản'

Theo nguyên quyền tổng thư ký VFF, dù khát điểm, Việt Nam vẫn cần kiên nhẫn phòng ngự trước khi tính chuyện ghi bàn trước Nhật Bản ở vòng loại World Cup 2022.

Đội tuyển Việt Nam - Nhật Bản: Chờ cơn địa chấn châu ÁViệt Nam hoàn toàn dưới cơ Nhật Bản, nên một phần nữa phải trông chờ vào nỗ lực của cầu thủ cũng như "phép thuật" từ HLV Park Hang-seo 

Sau bốn trận đã đấu, Nhật Bản bất ngờ thua Oman rồi Saudi Arabia. Ông giá thế nào về đối thủ lần này?

- Sau những gì diễn ra, có thể thấy lối đá của Nhật Bản thiếu đột biến, thậm chí khá đơn điệu. Họ đá như ru ngủ đối phương. Tôi nghĩ lý do chính là họ không được tập trung nhiều với nhau. Các cầu thủ thi đấu ở nhiều giải trên thế giới và được sử dụng với mức độ khác nhau tại CLB, dẫn tới phong độ không đồng nhất. Đó là khó khăn lớn nhất, khiến Nhật Bản khó bùng nổ.

Tuy nhiên, họ là đội bóng có kỷ luật. Kết quả không tốt ở ba trận đầu tiên đã chạm vào lòng tự ái của họ. Vì thế, họ đã quyết tâm hơn, chơi đến cùng ở trận Australia. Chiến thắng đó giúp tinh thần Nhật Bản lên cao, khiến họ càng nguy hiểm hơn ở những trận sau. Ngoài ra, qua bốn trận thi đấu cùng nhau, các cầu thủ Nhật Bản đã hiểu nhau hơn. Ban huấn luyện cũng tìm ra những công thức phù hợp hơn về mặt chiến thuật.

- Liệu Nhật Bản có tận dụng sức mạnh vượt trội của các cá nhân để dồn ép Việt Nam từ những phút đầu?

- Điều đó phụ thuộc vào phong độ của các cầu thủ. Nếu chơi tấn công phủ đầu, liệu Nhật Bản có đủ sức duy trì trong 90 phút với cường độ cao? Trong khi đó, Việt Nam đã chứng minh khả năng phòng ngự không hề kém. Để xuyên phá hàng thủ nhiều lớp do HLV Park Hang-seo xây dựng không dễ. Tôi nghĩ, Nhật Bản sẽ tính toán và lựa chọn những thời điểm thích hợp để bung sức chứ không ồ ạt tấn công.

Sức mạnh của Nhật Bản nằm ở khả năng trừng phạt sai lầm của đối thủ. Có thể thấy ở trận gặp Australia, chỉ cần hai khoảnh khắc đối phương mất tập trung, họ đã ghi hai bàn. Chất lượng cầu thủ cùng sự quyết tâm ở mọi vị trí cho phép Nhật Bản làm điều đó. Những trận đã qua, Việt Nam mắc khá nhiều sai lầm cá nhân, đặc biệt ở hàng thủ. Đó là điều cần tránh trước một đối thủ như Nhật Bản bởi họ nguy hiểm nhất ở khả năng chớp thời cơ.

Hàng công Nhật Bản đang bị chỉ trích sau khi chỉ ghi được ba bàn trong bốn trận - còn ít hơn cả Việt Nam (bốn bàn). Ông nghĩ thế nào về điều này?

- Đó là do các tiền đạo của Nhật Bản không đạt phong độ tốt. Nhiều người thi đấu ở nước ngoài nhưng không được vào sân thường xuyên, như Takumi Minamino ở Liverpoool chẳng hạn. Ở đội tuyển, họ cũng phải thích nghi với vị trí khác, cố gắng nhận bóng từ những đồng đội khác. Tuy nhiên, sức mạnh của Nhật Bản đến từ tập thể. Một vài cá nhân có thể xuống phong độ nhưng họ vẫn hoàn thành nhiệm vụ đóng góp cho lối chơi chung.

Thế còn hàng thủ Nhật Bản, liệu Việt Nam có thể xuyên phá qua hai trung vệ đang thi đấu ở châu Âu - Maya Yoshida và Takehiro Tomiyasu?

- Nhật Bản mới lọt lưới ba bàn. Trong đó, một bàn thua đến từ quả phạt cố định trước Australia. Trước Saudi Arabia, họ thủng lưới bởi đường chuyền về không tốt của một tiền vệ. Tôi nghĩ, Việt Nam cần tính toán thời điểm phản công hợp lý nếu muốn xuyên thủng hàng thủ chắc chắn của Nhật Bản.

Oman từng làm được điều đó khi họ dâng lên ở những phút cuối và ghi bàn quyết định. Vấn đề là cầu thủ Việt Nam cần chuẩn bị tâm lý để chịu đựng trong thời gian dài, kiên nhẫn chờ thời cơ, tránh mắc bẫy đối thủ. Nhật Bản chắc chắn sẽ nhập cuộc với quyết tâm cao nhưng nếu có thể đứng vững, Việt Nam sẽ làm giảm hưng phấn của đối thủ và lâu dài, sẽ có lợi thế hơn về tâm lý. Khi đối thủ nôn nóng, Việt Nam có thể tận dụng tốc độ và sự khéo léo của các tiền đạo để phản công. Cơ hội để Việt Nam ghi bàn không phải là không có.

Đây không phải lần đầu Việt Nam gặp Nhật Bản, hoặc các đội bóng có trình độ như Nhật Bản. Chúng ta từng khiến các đội bóng lớn vất vả khi muốn ghi bàn. Vì vậy, các cầu thủ cần hiểu họ hoàn toàn có thể làm được. Nếu đá đúng khả năng và chọn lối chơi hợp lý, Việt Nam vẫn có cơ hội. Hy vọng, HLV Park sẽ truyền sự tự tin và chuẩn bị tâm lý tốt cho các cầu thủ.

- Theo ông, HLV Park nên lựa chọn Văn Đức hay Công Phượng đá chính, và đâu là thời điểm hợp lý để Việt Nam tung vào những quân bài chiến lược trên hàng công?

- Trong bốn trận đã đấu, có những lúc Việt Nam đã nghĩ đến chiến thắng. Khi ấy, chúng ta dâng cao để tìm bàn thắng nhưng thiếu sự bọc lót phía sau. Cầu thủ Việt Nam chưa sẵn sàng để đấu tay đôi với các đối thủ ở vòng đấu này do thua kém về thể hình. Bài học ở trận thua Trung Quốc vẫn còn đó. Tuy nhiên, nếu Việt Nam chủ động phòng ngự một cách thận trọng, có thể thấy mọi đội bóng đều bế tắc.

Vấn đề là cầu thủ Việt Nam chưa đủ khả năng để thi đấu ở cường độ cao trong tấn công lẫn phòng ngự. Chúng ta chỉ có thể làm tốt một mặt ở một thời điểm. Vì thế, lựa chọn lối chơi thế nào theo diễn biến trận đấu là điều quan trọng. Hiện, vấn đề sử dụng Văn Đức hay Công Phượng vẫn gây ra tranh cãi. Đây hầu như là vị trí duy nhất khiến HLV Park phải cân nhắc.

Theo tôi, Việt Nam vẫn cần ưu tiên phòng ngự nên Văn Đức sẽ là lựa chọn hợp lý. Hai cánh của chúng ta thiếu chắc chắn hơn khi không có Văn Hậu và Trọng Hoàng. Vì thế, đội cần sự hỗ trợ của các tiền đạo. Công Phượng có thể được tung vào ở hiệp hai, khi Việt Nam đã ổn định thế trận. Nếu tấn công sớm, chúng ta có thể đối mặt nguy cơ bị vỡ trận./.

(Q.Đ tổng hợp)

Top